Trần Hữu Dũng: – 17 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay rơi (TT 7-7-14) — Hai phóng viên quốc tế đã nói với tôi rằng khi đọc (bản tiếng Anh) cùa tin này họ hơi “bỡ ngõ” với câu “Một trong những mảnh vỡ đã rơi xuống đường liên thôn, bắn vào một xe máy và một chiếc ghế trước cửa nhà anh Toàn sửa xe máy gần đó khiến đầu xe máy và chiếc ghế vỡ nát”  mà họ cho là “lạc điệu”:  Trong một tai nạn thảm khốc như thế này, sao lại chú ý đếna “đầu xe máy và chiếc ghế vỡ nát”? (Câu trong bản tiếng Anh là: The front part of a motorbike and a chair near the scene were destroyed after a piece of helicopter debris fell onto them)
“Vào lúc 7h53 ngày 7/7, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11 (Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Lúc máy bay gặp nạn có 21 người trên máy bay. Sau khi bị rơi, máy bay đã cháy dữ dội, được lực lượng cứu hỏa dập tắt lúc 8h20 cùng ngày.”
Thông tin chứa đựng trong bản tin này ngắn đến kinh ngạc. Đáng ra, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản phải chủ động loan tin với những chi tiết chính xác nhất cho người dân, vốn có quyền được biết mọi thông tin từ chính phủ ngoại trừ có liên quan đến bí mật quốc phòng. Một phi cơ trực thăng rơi trong lúc huấn luyện là tin buồn, hoàn toàn do lỗi kỹ thuật không thể xem là bí mật khi nó rơi đúng vào khu dân cư Hà Nội. Thông tin mà Bộ quốc phòng đưa ra kịp thời có khả năng đánh tan mọi suy diễn có tính xuyên tạc làm hại đến uy tín của đơn vị phòng không, không quân Việt Nam.
Phi cơ dù sản xuất ở đâu nếu gặp tai nạn là chuyện bình thường. Không công bố chuyện bình thường ấy mới là điều bất thường. Hơn nữa nếu công bố với những thông tin do cảm tính và không liên quan gì tới tai nạn là việc làm tắc trách, thiếu chuyên nghiệp đôi khi đi dẫn tới chỗ dối trá với quần chúng.
Báo chí lấy lại tin từ Vietnam+ vẽ ra hình ảnh tuyệt vời của viên phi công trên chuyến bay định mệnh ấy với lời lẽ như sau:
“trước tai nạn thương tâm, người dân tại hiện trường đã nhìn thấy máy bay cháy trên không ở ngay trong khu dân cư đông người, nhưng phi công đã dũng cảm, cố điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu nhà dân.
Người dân đã đánh giá rất cao tinh thần dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của người lính phi công trong khi đối mặt với cái chết vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay tránh được thương vong lớn cho người dân.” (1)
Đọc bản tin này bất cứ ai có một nhận thức bình thường cũng thấy là cơ quan báo chí Việt Nam đang đánh lừa người dân bằng cách trích lời họ (mà không ai biết họ là nhân vật có thật hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà báo). “Người dân nhìn thấy máy bay cháy trên không” là đúng, là những gì đã xảy ra và nhiều người chứng kiến. Thế nhưng: “phi công đã dũng cảm, cố điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu nhà dân” là một cách vuốt đuôi nguy hiểm. Báo chí nếu tự viết câu này là vô lương tâm nghề nghiệp, nghe người dân nói mà không phân tích và cứ thế đưa lên là vô trách nhiệm.
Thông thường trong một tai nạn hàng không, người trách nhiệm sẽ không tuyên bố bất cứ điều gì vì đơn giản họ không ngồi trên máy bay và chứng kiến những gì đã xảy ra. Họ phải chờ tìm được chiếc hộp đen của máy bay gặp nạn, khai thác và phân tích dữ liệu trong đó mới biết được những gì đã làm cho động cơ hỏng hóc cũng như những báo cáo cuối cùng của phi hành đoàn trên chiếc phi cơ gặp nạn.
Thứ hai, chỉ có người ngồi gần phi công, chứng kiến và kể lại hành động của anh ta thì mới có thể tuyên dương hành động đó. Nếu không mọi đoán định đều mang cảm tính và thiếu bằng chứng thuyết phục.
Báo chí “ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời” khi dí vào mồm người dân bình thường diễn tả lại hành vi cực kỳ anh hùng của một tài xế máy bay chứ không phải phi công, cố lái ra xa không cho nó rơi xuống chỗ đông dân cư. Rất tiếc Vietnam+ là một cơ quan thông tấn chính thức của đất nước lại phao tin nhảm, thiếu logic về một sự việc thương tâm đang làm dư luận bức xúc.
Đã vậy, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND lại xác định thêm những điều mà báo chí vẽ ra bằng cái mà ông gọi là kinh nghiệm của một tướng lãnh. Trung tướng Võ Văn Tuấn nói: “Phi công là người có trách nhiệm với dân. Qua hiện trường và kinh nghiệm cá nhân, tôi đánh giá đây là hành động có trách nhiệm của phi công và phi hành đoàn. Họ đã cố gắng né tránh tối đa nhất việc có thể đâm vào nhà dân”.
Một đống sắt cháy vụn nói lên điều gì? Ông Tuấn tuyên bố không khác chút nào với những người hoàn toàn mù tịt về kinh nghiệm bay vì ông cũng ngồi dưới đất như họ, còn thua họ ở chỗ lúc ấy ông ngồi xa hiện trường không như những người dân tại nơi xảy ra tai nạn. Ông nói theo và ông nói leo.
Đối với quy định bay khi sự cố xảy ra việc đầu tiên là phi công báo cho đài kiểm lưu dưới đất nếu là dân sự và trung tâm hành quân của không quân nếu là quân đội. Cùng lúc ấy phải nghe theo chỉ dẫn của người trách nhiệm về cách xử lý máy móc, tai nạn. Nếu không thể làm được gì thì phản xạ của một phi công phải cố hết sức để chiếc máy bay giảm bớt độ rơi và dĩ nhiên có thể trong một khoảnh khắc nào đó khi không còn kiểm soát được nữa thì mới nảy ra ý tưởng tránh thiệt hại cho dưới đất. Phản xạ cuối cùng này khó mà biết trước bằng đôi mắt thường của một ông đứng dưới dất, nhất là ông ấy không thể phân biệt một trực thăng khác với một máy bay phản lực khi rơi như thế nào.
Câu chuyện về người phi công anh hùng xem ra để xoa dịu tâm lý gia đình nạn nhân và vuốt ve niềm tự hào của người bộ đội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, gì thì gì cũng anh hùng, miễn cứ chết là anh hùng .
Lạ một điều xoa dịu cho người chết đã đành, báo chí cũng không tha cho người còn sống.
Bản tin trên tờ Lao Động tường trình một ông gần giống như anh hùng khác trong vụ nổ máy bay khiến người có tính cẩn thận khi đọc tin sẽ rơi vào bất ngờ. Thì ra có tới hai phi công trên chuyến bay định mệnh ấy chứ không phải một. Với cái title: “Máy bay trực thăng rơi: Gặp phi công thoát nạn hi hữu.”
Phóng viên kể lại những chi tiết mà khi đọc lên khó khăn lắm mới khỏi thở dài cho cách đặt vấn đề của tờ báo: “Phi công Vương Tá Hùng, 30 tuổi, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội là người duy nhất may mắn đã thoát khỏi chuyến bay gặp tai nạn kinh hoàng. Lý do là chuyến bay đã chốt danh sách 21 người và anh Hùng là người số 22. Khi máy bay bay lên độ cao khoảng 1000m thì đột ngột hạ thấp độ cao rồi phát nổ và bốc cháy.
Ở dưới đất chứng kiến cảnh máy bay nổ, anh Hùng chạy lại khu vực hiện trường và tận mắt chứng kiến đồng đội bị cháy, bị thương. Không cầm lòng được trước nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà đơn vị và các đồng đội gặp phải, anh Hùng đã ngất xỉu và được người dân đưa vào Bệnh viện Quân y 105. Rất đông người thân đã vào động viên tinh thần anh Hùng. Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã có mặt tại khoa Nội tâm thần kinh Bệnh viện 105, trao tặng 1 triệu đồng tới gia đình anh Hùng.” (2)
Câu chuyện của anh Vương Tá Hùng được trám vào cái khoảng trống thông tin nghèo nàn mà báo chí được phép loan đi từ một vụ nổ máy bay rất lớn. Câu chuyện của anh vừa nhạt, vừa khôi hài mà đáng ra báo chỉ cần đưa một dòng tin là đủ, chẳng hạn: “Trong tai nạn thương tâm này anh Vương Tá Hùng may mắn thoát chết nhờ không lên máy bay vào giờ chót. Cũng là một phi công, anh chứng kiến và bị shock nặng khi bạn bè đồng đội hy sinh trong chiếc phi cơ oan nghiệt ấy”.
Hình như căn bệnh anh hùng đã ăn rất sâu vào tư duy của cả hệ thống. Cứ “được chết” là anh hùng, bất kể logic câu chuyện có chứng minh được hai chữ anh hùng gán ghép một cách miễn cưỡng ấy hay không.
Ngày nay báo chí không có nhiều cơ hội để tạo người hùng cho xã hội vì ít ra họ đã phần nào hiểu rằng người đọc thế hệ @ không như vài năm trước, tuy biết là đơm đặt nhưng họ không buồn “phê bình chỉ điểm”. Người đọc tin bây giờ lướt qua và xem những mẩu tin dạng “ngồi dưới đất nói chuyện trên trời” là sản phầm của những cây viết cùn, chấm mực bằng cán và phe phẩy kiếm view.
Từ chiếc máy bay Mi 171 hôm nay của Liên xô, nhớ lại chiếc UH-1 của Mỹ.
Một phóng sự khác nói về người hùng máy bay trực thăng được đăng vào năm 2012 của tác giả Hạ Nguyên viết về ông Bùi Minh Kiểm trên báo Phụ Nữ Today:

Ông Kiểm đang kể cho con cháu “cu ho” nghe về những trận đánh năm xưa.
Huyền thoại tay không “quật ngã” máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ. – Nhìn người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, ít ai biết được rằng ông đã từng dùng đôi bàn tay ấy để ghì chặt một chiếc máy bay UH – 1 của Mỹ xuống mặt đất.
Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, đồng đội của ông Kiểm, tức ông Nguyễn Phú Thao đã đưa ra một cách đánh táo bạo. Khi chiếc UH – 1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống.
Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH – 1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác.” 
Nhà báo Việt Nam hình như không biết có một thư viện mở rất thông dụng hiện nay là WikiPedia. Nếu chịu khó hỏi nó về thông số của chiếc trực thăng UH-1 thì anh ta sẽ không trở thành tên hề trước công chúng.
Theo WikiPedia cho biết trọng lượng rỗng của UH-1 là 2.365 Kg. Trọng lượng có tải là 4.100 kg. Trọng lượng cất cánh là 4.309 Kg. Như vậy ông anh hùng Bùi Minh Kiểm phải nặng hơn 4 tấn thì chiếc UH-1 mới không cất cánh được để đồng đội ông có dịp bắn nó. (Xem thêm: Tiến sĩ khác gì với dũng sĩ?)
Ngớ ngẩn đến mức ấy thì báo cáo nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc của Việt Nam cũng phải chào thua mặc dù kỹ thuật nói dối của Việt Nam từng nhiều lần làm cho quốc tế mắt tròn mắt dẹp.

ABS

– Đang giải mã hộp đen máy bay bị rơi ở Hòa Lạc (VNN). – Vụ rơi máy bay quân sự: Hộp đen cũng có trục trặc (TN). Chưa giải mã hộp đen, thế mà hôm qua, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội NDVN đã phát biểu: ‘Loại trừ khả năng đây là vụ phá hoại’. Đây nữa: Vụ tai nạn trực thăng quân sự Mi-171: Do sự cố kỹ thuật (TP). “Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen máy bay gặp nạn để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. ‘Cho tới thời điểm này, gần như chắc chắn nguyên nhân của vụ tai nạn là do sự cố kỹ thuật’.” Ông Tuấn nghĩ mọi người sẽ tin khi nghe những điều ông khẳng định mà không đưa ra bất kỳ lập luận hay bằng chứng nào? Trấn an dân bằng những thông tin thế này lại càng làm cho dân bất an thêm.
Cháy nhà ra mặt anh tài 
Người Buôn gió – Người ta có câu ”cháy nhà ra mặt chuột ”. Mặt chuột trong câu này ý nói đến bọn đục khoét nằm trong nhà, khi có hạn đến mới lòi ra mặt của chúng.
Nhưng câu này không đúng trong trường hợp chiếc máy bay trực thăng vừa rơi ở Hoà Lạc mới đây, chết mười mấy chiến sĩ tinh nhuệ.
Đây là một thảm hoạ tang thương, các chiến sĩ trong khi tập luyện đã tử nạn. Ở một nước khác người ta sẽ mổ xẻ nguyên nhân, truy tìm trách nhiệm, buộc một kẻ nào đó phải chịu trách nhiệm và kèm theo hình thức xử lý.
Ở ta thì báo chí , dư luận đi sâu vào vấn đề tình cảm. Người ta đưa dư luận vào luồng định hướng đây là những chiến sĩ ưu tú, họ hy sinh cao cả, họ có gia đình , họ có tinh thần phục vụ ….cái này tất nhiên hoàn toàn đúng. Những chiến sĩ ấy đều đáng được tưởng nhớ, tri ân và vinh danh.
Khi đi sâu vào chuyện tôn vinh, tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh. Ca ngợi những người hy sinh ấy, vô tình lại là ca ngợi thể chế mà những người lính ấy đã phục vụ. Thế là đáng nhẽ từ người phải chịu trách nhiệm về việc mười mấy chiến sĩ hy sinh, thì bỗng nhiên quân đội, thể chế lại được hưởng danh từ sự hy sinh ấy. Nhân dân sẽ ghi nhớ là quân đội, thể chế đã đào tạo ra những người lính cao cả, hy sinh vì đất nước, dân tộc này.
Từ chiếc máy bay cất cánh 15 phút thì lao xuống đất trong tập luyện, chết gần 20 chiến sĩ lẽ ra là một thất bại của quân đội. Bỗng nhiên sau một loạt bài viết, hình ảnh bi thương, hùng tráng, những clip cũ về những người hy sinh, những kỷ niệm cuả họ đã che phủ đi những đòi hỏi tìm nguyên nhân tai nạn. Và rồi những bi tráng ấy được điểm xuyết cho hình ảnh của quân đội nói chung. Một hình ảnh hào hùng.
Tương tự như một trận đánh, do sai lầm đánh giá đối phương, nướng cả trung đoàn quân vào hoả lực đối phương. Nhưng kết thúc là chứng minh quân đội ta anh dũng, kiên cường, quả cảm ….đó là nhờ sự lãnh đạo của đảng, nhà nước và các tướng lĩnh đã rèn giũa họ thành người như thế.
Chả người lính nào muốn chết một cách như vậy để thành anh hùng cả. Nhất là trong tập luyện.
Đừng mang sự hy sinh của họ để che đậy cách quản lý, chỉ huy của mình.
Chuyện lo lắng chế độ an ủi cho gia đình các chiến sĩ ấy đương nhiên là việc phải làm, họ là những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ đúng nghĩa. Nhưng trách nhiệm của người chỉ huy cần phải được xử lý nghiêm khắc. Có thế những người lính khác mới yên tâm khi làm nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đừng để họ hy sinh vì trong đầu họ phải tiếc nuối vì ai đó đã bớt xăng, bớt đi khoản bảo dưỡng định kỳ vũ khí, khí tài.. khiến họ phải hy sinh.



Axact

bb.edu.vn

Vestibulum bibendum felis sit amet dolor auctor molestie. In dignissim eget nibh id dapibus. Fusce et suscipit orci. Aliquam sit amet urna lorem. Duis eu imperdiet nunc, non imperdiet libero.

Post A Comment:

0 comments: